Ốc đắng phổ biến và nhiều đến mức ở miền Tây, người ta chỉ cần xuống sông, dùng rổ thưa xúc phía dưới những giề lục bình, hay mò dưới mương vườn nơi ốc thường bám vào những gốc dừa, chà tre mục, những trái dừa bị sóc ăn rụng lâu ngày là đã có ốc ăn. Vào những ngày mát trời, đi bắt ốc khoảng một giờ có thể thu hoạch được cả ký ốc đắng.
Ngoài việc sử dụng bao để bắt ốc đắng, người dân còn sử dụng tàu dừa để bắt ốc, tàu dừa có ưu điểm là dính nhiều ốc hơn do ốc bám vào các lá, nhưng nhược điểm là bị ngâm trong nước lâu ngày dễ bị mục nát và hư hỏng, nên đa số người dân đều chọn bao đựng lúa hay bao thức ăn chăn nuôi để bắt ốc. Nghề bắt ốc đắng này không chỉ có những hộ làm chuyên làm thuê làm mướn bắt, mà cả những hộ gia đình có ruộng đất, kinh tế ổn định cũng tham gia vào cuộc mưu sinh này để kiếm tiền trang trải chi phí hàng ngày trong gia đình. Người dân làm nghề bắt ốc đắng nên nâng cao nhận thức, nên bắt ốc lớn, thả ốc nhỏ để tránh nguy cơ tận diệt loài ốc đắng.
Trong ẩm thực
Ốc đắng gắn liền trong ký ức của những cư dân đồng bằng sông Cửu Long qua các món ăn dân dã, trong đó có những món như Gỏi ốc đắng trộn bắp chuối, chả ốc đắng, và ốc đắng chiên trứng. Dân miền Tây không ai không biết đến cái tên Ốc đắng. Ốc đắng có thể làm các món dân dã như: ốc đắng luộc chấm nước nước mắm chanh sả ớt (hay cơm mẻ sả ớt), ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa, gỏi ốc đắng trộn bắp chuối và chả ốc đắng, đều rất ngon. Ốc đắng luộc là món ăn dân dã vừa ngon, vừa dễ chế biến lại không tốn tiền.
Cách chế biến ốc đắng đơn giản. Ốc sau khi ngâm 5-6 tiếng là có thể đem luộc. Trước khi luộc đem ốc rửa thật sạch một lần nữa. Sau đó cho ốc vào nồi và đổ xâm xấp nước (không nên cho nhiều nước vì vừa phí nước vừa lâu chín ốc). Cho vào nồi một ít lá ổi hay cọng sả đập dập để khử mùi tanh của ốc. Canh chừng khi nào nước sôi thì vớt bọt dơ ra. Nồi ốc sôi khoảng 5-10 phút hoặc khi nào ốc tróc mài là có thể tắt bếp. Hình ảnh con ốc, cọng rau không chỉ đi vào tiềm thức về tuổi thơ của nhiều người mà còn để lại những dư vị khó quên trong làng ẩm thực của vùng sông nước Nam bộ – đặc biệt là các món ốc đắng mộc mạc, chân quê.
Gỏi là món ngon được chế biến từ cá, tôm, thịt… kết hợp với nhiều loại rau, củ, trái như chuối cây, bắp chuối, bắp cải, đu đủ thái nhỏ, trộn thêm chất chua, cay nồng. Gần đây nhiều nhà hàng, quán ăn lại biến tấu thêm nhiều món gỏi còn hấp dẫn hơn, độc đáo nhất là gỏi ốc đắng trộn với bưởi và cơm dừa nạo.
Các nhận xét
Không có nhận xét & đánh giá nào được gửi.